Sinh viên khát khao​​​​​​​ giữ lửa sân khấu kịch

VHO- Thời gian qua, những sân chơi văn hóa nghệ thuật cho sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM có nhiều khởi sắc. Một lần nữa, sự chỉn chu, chuyên nghiệp của vở kịch sinh viên khiến khán giả phải bất ngờ, đó là Lá hát như mưa của sân khấu Báo chí Nhân văn do CLB Kịch, khoa Báo chí và Truyền thông (Trường đại học KHXH&NV TP.HCM) tổ chức biểu diễn.

Sinh viên khát khao​​​​​​​ giữ lửa sân khấu kịch - Anh 1

 Các bạn trẻ luôn cháy hết mình trong từng vai diễn

 Chỉn chu và chuyên nghiệp

Kịch sinh viên đã từng có, nhưng một thời gian dài đã không còn duy trì nữa vì nhiều lý do. Một thực tế dễ nhìn thấy là, đến sân khấu kịch chuyên nghiệp còn loay hoay, khó khăn trong việc tìm khán giả thì kịch sinh viên sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để có được những vở diễn chất lượng, các bạn phải mất rất nhiều thời gian, vật chất để đầu tư từ nội dung, trang phục, đến bối cảnh… Vượt qua được những trở ngại đó, nhiều vở kịch của sinh viên đã và đang góp thêm “làn gió” mới vào đời sống sân khấu nước nhà.

Xem Lá hát như mưa, ít ai ngờ những bạn trẻ không chuyên lại có thể làm nên một tác phẩm đậm chất hoài cổ, màu ký ức của Chợ Lớn (quận 6) ở những năm 2000. Đó là câu chuyện cô Hạ bỗng nhiên biến mất trong một đêm mưa gió, bỏ lại hai đứa con thơ, mẹ già và cậu em trai. Chồng Hạ sau đó cũng sớm rời nhà ra đi một cách kỳ lạ. Chỉ còn chú Nghĩa hàng xóm ôm mối tình thanh mai trúc mã với Hạ, vẫn tận tình chăm sóc, làm nơi nương tựa cho cả gia đình bên ấy. Vở kịch là sự đúc kết sâu sắc về tình yêu, tình người, tình cảm gia đình thiêng liêng. Mỗi người trong con hẻm nhỏ đó đều chất chứa trong lòng những nỗi niềm riêng và cũng chính họ đã tạo nên một bức tranh Sài Gòn vô cùng ấm áp và nghĩa tình.

Lá hát như mưa được dàn dựng theo phong cách phi tuyến tính. Tức là mỗi lần chuyển cảnh, vở diễn sẽ đi ngược thời gian về lại một cột mốc trước đó. Đây là phong cách dàn dựng rất mới mẻ và khá khó với một ê kíp “tay ngang”. Chia sẻ về ý tưởng đầy táo bạo lần này, bạn Nguyễn Đức Huy, đồng tác giả và dàn dựng vở diễn cho rằng, lối kể này sẽ dẫn dắt người xem bước vào một hành trình độc đáo với hàng chục câu hỏi “tại sao?”, để rồi từ đó kích thích họ xem tiếp thỏa mãn sự tò mò đó cũng như có được những lời giải thỏa đáng. “Hơn thế nữa, việc xây dựng tình huống theo kết cấu phi tuyến tính còn khiến Lá hát như mưa như một bài toán thú vị, lôi cuốn người xem khám phá ra sự thật được ẩn giấu một cách tinh tế và đầy nghệ thuật. Để rồi, thông điệp lớn nhất mà Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn muốn gửi gắm đó chính là niềm tin vào “sự sống” của tình yêu giữa hoài nghi, đau khổ và mất mát”, Đức Huy bày tỏ.

Được biết, sau hơn một năm ấp ủ, tìm kiếm tư liệu và 3 tháng hoàn thiện kịch bản, bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, hai tác giả đã dành trọn đam mê cho kịch bản. Vở diễn chính thức lên sàn tập luyện từ đầu tháng 10, với ê kíp khoảng hơn 30 người. Có thể thấy, dù chỉ là kịch sinh viên không chuyên nhưng vé cho ba suất diễn (từ 80.000 đồng - 100.000 đồng/vé) đều đã nhanh chóng bán hết. Và càng vui hơn nữa, vở diễn nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn cho đến khán giả.

Sinh viên khát khao​​​​​​​ giữ lửa sân khấu kịch - Anh 2

 Sân khấu sinh viên Báo chí Nhân văn mong muốn mang đam mê nghệ thuật đến gần hơn với khán giả

“Cháy” hết mình với đam mê

Niềm vui là thế, khi các suất diễn đều được hưởng ứng, nhưng theo đại diện nhóm thì chưa có vở nào “hết lỗ” vì chi phí sản xuất khá lớn. Lá hát như mưa đầu tư vượt 100 triệu đồng, nhưng với giá vé kịch sinh viên, dù bán hết thì cũng chỉ bù được khoảng hơn một nửa mức đầu tư. Tuy nhiên, với các thành viên CLB thì việc thu không đủ bù chi không quan trọng bằng nỗ lực duy trì sân khấu kịch Báo chí Nhân văn vì niềm đam mê và mong muốn lan tỏa niềm yêu thích nghệ thuật kịch đến khán giả trẻ. “Làm sân khấu, chúng tôi không chỉ làm điều mình thích, mà còn học hỏi được thêm nhiều kỹ năng, giúp ích rất nhiều cho nghề nghiệp sau này. Hơn thế nữa, đây là cách duy trì một nét đẹp văn hóa đầy cá tính mà sinh viên ngành báo chí và truyền thông luôn tự hào”, đại diện nhóm chia sẻ.

Có thể thấy, việc làm kịch ở môi trường sinh viên sẽ rất khác và gặp nhiều khó khăn hơn so với các không gian kịch khác. Bởi ê kíp sáng tạo không ai khác ngoài chính các bạn sinh viên, từ khâu viết kịch bản, dàn dựng tới diễn viên và cả thực hiện cảnh trí, phục trang, âm thanh, ánh sáng... Là người theo chân vở kịch từ lúc “thai nghén”, Lý Tô Minh Triết, Phó chủ nhiệm CLB Kịch cho biết: “Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải vẫn là kinh phí. Bên cạnh đó là thời gian, không phải bạn nào cũng trống lịch cùng thời điểm, nên các thành viên đã cố gắng rất nhiều để sắp xếp tập cùng nhau. Đến giờ, nhìn lại những gì nhóm đã cố gắng ròng rã trong hai tháng để được biểu diễn và đón nhận là một cảm xúc rất đỗi tự hào. Hy vọng những tâm tư và tình cảm mà nhóm gửi vào vở diễn lần này sẽ được khán giả đồng cảm”.

Chia sẻ về định hướng tương lai, đại diện CLB cho biết, họ sẽ luôn nỗ lực để mang đến những tác phẩm chỉn chu nhất có thể cho khán giả. Trong tương lai, CLB mong muốn đam mê nghệ thuật và những giá trị sống sâu sắc sẽ tiếp cận đến những đối tượng khán giả rộng hơn, song song với việc tiếp cận đối tượng khán giả sinh viên như hiện tại. Và không chỉ riêng CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông, vẫn có nhiều CLB sinh viên trên địa bàn TP cũng mang đến những màu sắc mới cho bộ môn nghệ thuật kịch nói. 

BÁ TRƯỜNG

 

Ý kiến bạn đọc